Chưa có con nghe đến chàm thì chắc nghe vậy thôi chứ chưa để tâm lắm. Có con mà con không bị chàm thì cũng quan tâm chút xíu lỡ bé nhà mình cũng bị thì biết thôi. Nhưng khi có con bị chàm tái đi tái lại thì thật sự ngàn chuyện để kể và chỉ hội này mới thật sự thấu hiểu được nỗi khổ khi có con bị bệnh này.

Shiba nhà mình khi được hai tháng đột nhiên nổi những mảng da đỏ đỏ trên mặt, rồi sau đó là bụng. Tại thời điểm đó không nhiều cũng không nặng; chỉ là có lúc tấy lên rồi lặn rồi lại tấy lên. Đi khám lần đầu, BS bảo đừng lo lắng quá, chàm sữa thôi. Về nhà dưỡng ẩm không để da con bị khô, nằm mát là được (khoảng thời gian đó là khoảng bắt đầu nắng nóng).

Lần thứ hai đi khám là khoảng 3 ngày sau khi ông bà cho tắm lá (kinh nghiệm dân gian hix) dù bố mẹ đã đấu tranh là không cần tắm lá gì hết nghe lời bác sỹ là được rồi. Sau khi tắm xong da con có biểu hiện nổi ban đỏ khắp người (lúc đó cứ nghĩ là nóng nên bị rôm sảy) và sau đó sần thành từng mảng như lần đầu bị chàm. Con bị kích ứng và diễn tiến nặng hơn hẳn, đến giờ nghĩ lại mình vẫn hối hận ghê gớm vì đã thoả hiệp. Thế là lại xách nhau đi khám. Lần đó mình khám một bác ở BV Y Dược, một bác bên BV Da Liễu và một bác ở Hạnh Phúc. (Hai vợ chồng không chủ định đi tất cả các BS nhưng đợt đó khám có cái thì PK khám được có cái thì phải vô BV mới có chỉ định nên gặp BS nào cũng khám chàm luôn). Lần thứ ba mình khám bác Trí Đoàn. Sau khi đi khám và được tư vấn bởi nhiều BS, tự nghiên cứu tìm hiểu thêm và nói chuyện với các mẹ cũng có bé bị chàm, mình tự ghi lại một số nguyên tắc “chống chọi” với bệnh chàm:

1️⃣ Nguyên tắc 1: dưỡng ẩm. Da luôn luôn phải đủ ẩm là cách tốt nhất để chàm nhanh lành và hạn chế tái phát. Có nhiều nguyên nhân khởi phát chàm và làm chàm diễn tiến nặng hơn: dị ứng (nhỏ thì có thể là dị ứng đạm bò trong sữa, lớn hơn thì có thể là dị ứng thức ăn); nóng; các tác nhân kích ứng da như bột giặt, xà phòng, nước hoa… Tuy nhiên không phải lúc nào con bị chàm cũng đều xác định được nguyên nhân khởi phát, nhất là dị ứng thì càng khó biết được là dị ứng gì hoặc xác định được thì cũng mất thời gian. Nên là song song với việc quan sát để biết được nguyên nhân khởi phát chàm của con, việc quan trọng nhất là dưỡng ẩm da để hạn chế việc làn da mong manh của con bị tổn thương. Bác Đoàn có nói dưỡng ẩm loại nào cũng được miễn sao mẹ biết được nguyên tắc để chọn đó là: không gây dị ứng (hypoallergenic), không xà phòng (soap free), không paraben (paraben free). Ngoài ra hạn chế tắm nước nóng (nước nóng bay hơi nhanh làm da con khô), tắm nước mát và thoa dưỡng ẩm sau khi tắm; mặc quần áo thoáng mát; nhiệt độ phòng không quá 25 độ và độ ẩm 40-60%.

2️⃣ Nguyên tắc 2: kiên nhẫn. Nhẹ thì bé có thể chỉ bị vài nốt trên mặt 1, 2 lần và không bị lại. Nhưng thường chàm sẽ bị đi bị lại cho đến khi trẻ được tầm 2-3 tuổi (là viễn cảnh tốt), còn không chàm sẽ theo bé cả đời. Nên phụ huynh chỉ có cách kiên nhẫn... đợi bé lớn và kiên nhẫn để các đợt bùng phát chàm của bé không bị nặng quá mà thôi. Nhất là với những bé nổi cả mặt cả đầu cả tay cả chân cả bụng cả lưng như Shiba nhà mình. Mình đến giờ vẫn cảm thấy rất buồn mỗi khi nhìn thấy da con nổi đỏ khắp người khắp mặt. Nhưng rồi vẫn cặm cụi thoa dưỡng ẩm, tắm nước mát, hạn chế để con ra ngoài nóng đổ mồ hôi, để ý với các thể loại xà phòng mùi thơm mà con tiếp xúc.�

3️⃣ Nguyên tắc 3: đừng thoả hiệp với “kinh nghiệm dân gian truyền miệng”. Mình không nói tất cả các kinh nghiệm dân gian là không tốt, nhưng có quá nhiều kinh nghiệm mình không phải BS không kiểm chứng/ không hiểu hết được bản chất để đánh giá đúng hay không đúng. Ví dụ như trong trường hợp Shiba nhà mình, các BS đều bảo không nên tắm lá. Một số lá có tác dụng làm se da, đồng thời làm khô luôn da. Mà chàm thì cần tránh các tác nhân gây khô da. Một số loại lá còn có steroid không tốt cho con. Một số bé còn đặc biệt bị kích ứng với một số loại lá. Vậy nên khi không có sự tư vấn của BS thì tốt nhất không nên mang con ra thử nghiệm. Đừng bao giờ.

4️⃣ Nguyên tắc 4: hãy vui vẻ khi biết con bị chàm và dù con bị đi bị lại. Nguyên tắc này mình vẫn chưa làm được đâu hiu hiu nhưng thật sự là chúng ta không làm gì khác được ngoài chăm con kỹ hơn để ý nhiều hơn. Lâu lâu mình vẫn buồn ơi là buồn nhưng thôi vui vẻ suy nghĩ tích cực con lớn lên sẽ hết thôi tự AQ vậy đi. Một số con số để các mẹ có thể tham khảo nè:
🌱 Cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ bị chàm. Tức là bệnh này khá phổ biến. You are not alone hihu.
🌱 Mình cũng không kiếm được nguồn khảo sát cụ thể con số, nhưng được BS tư vấn, đọc sách, tài liệu (ví dụ như các trang thông tin về Eczema, Baby Center, Web MD) thì hầu hết đều nói 2/3 bé bị chàm sẽ hết khi lên 3 dù da vẫn khô. Có thêm ánh sáng và hy vọng.
🌱 Bệnh này mang tính di truyền. Nếu gia đình có người bị chàm thì xác suất bé bị chàm/ tiếp tục bị chàm khi lớn lên sẽ cao hơn. Ngược lại nếu không thì có thể hy vọng bé sẽ sớm hết chàm khi lớn lên.

Thêm một số lưu ý mình biết được trong quá trình tìm hiểu:

1️⃣ Phác đồ điều trị chàm là sử dụng corticoid. Đa số các trường hợp bị nhẹ BS sẽ chỉ khuyên dưỡng ẩm/ mặc quần áo thoáng mát/ tránh các tác nhân kích ứng và dị ứng. Nhưng khi bé bị nặng và có khó có thể tự lành đồng thời có thể gây bội nhiễm thì thoa corticoid là cần thiết. Mẹ đừng ngại corticoid mà tội con khi con đã bị quá nặng nhé vì nếu không thoa vết chàm sẽ rất dễ bị bội nhiễm và lở loét nhi nặng rồi. Lưu ý chỉ thoa mỏng và không thoa quá 7 ngày là được.

2️⃣ Khi tới đợt con chích ngừa thuỷ đậu, hãy lưu ý BS nếu con đang có đợt chàm và có mụn nước. Không chích ngừa con trong đợt này vì có thể sẽ làm tình trạng của con tệ hơn nhiều.

3️⃣ Mọi bài chia sẻ chỉ mang tính tham khảo kể cả bài này của mình : )))) Hãy mang con đi gặp BS mẹ tin tưởng nếu con bị viêm da, mọi thông tin bài viết chỉ nên mang tính chất tham khảo hehehe. Phải gặp trực tiếp BS, quan sát trực tiếp da con thì BS mới biết được có phải bị chàm hay bị gì. Bọn mình không có ai là BS nên đừng tự ý chữa bệnh cho con nha.

Coi lại hình mà thấy thương nhớ làn da mịn màng của con lúc chưa bị bùng phát như bây giờ ghê. Chúc các mẹ có con bị chàm hạn chế được tối đa các đợt lên chàm của con, và chúc các mẹ luôn vui vẻ chăm con nhé.